Skip to content

Các mô hình tiếp cận sắp xếp ghi chú

Dựa trên video này của Zsolt. Bạn có thể xem video có giải thích chi tiết hơn, bài này mình sẽ nêu vài điểm chính và ý kiến của mình.

Hiện nay có rất nhiều các phương pháp sắp xếp ghi chú (PARA, GTD, Zettlekasten, MOC, ACCESS, LATCH, Johnny Decimal,...). Có tác giả chia ra 4 loại ghi chú theo tính cách (Anne-Laure Le Cunff, Tiago Forte), hay 3 kiểu ghi chú theo ứng dụng (Collector, Writer, Connector - theo Nick Milo). Và có quá nhiều app ghi chú.

Bây giờ ta sẽ xem có những mô hình ghi chú nào?

Random mess

Một đống hỗn loạn

Đây là các ghi chú ngẫu nhiên, chưa được sắp xếp, không được liên kết với nhau, có thể chứa một vài tag, từ khoá. Ví dụ như là các tờ giấy nhớ, hộp thư inbox, ghi chú nhanh trong các ứng dụng ghi chú mặc định (google keep, apple note...).

Muốn truy cập lại các loại ghi chú này thường thông qua chức năng Seach hoặc ngẫu nhiên nhìn thấy. Đôi khi mình cũng quên luôn nó từng tồn tại hoặc có khi tìm được thì cũng không nhớ nội dung của nó nói về cái gì.

Daily Notes first

Với mô hình này, lấy các ghi chú hằng ngày (daily note) làm xương sống (chấm đỏ). Các ghi chú khác sẽ được liên kết với các ghi chú hằng ngày này.

Nếu bạn dùng Roam Reseach thì sẽ quen thuộc với mô hình này. Với Obsidian thì dùng plugin lõi Daily notes. Mỗi ngày sẽ có một trang ghi chú trống được tạo ra, việc của bạn là sẽ ghi lại bất kì mình tiếp thu trong ngày, tạo liên kết tới ghi chú mới.

Nếu bạn quen thuộc với việc viết Journal, đây cũng là mô hình rất phù hợp để review kiến thức hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm. Nó cũng phù hợp với những bạn thường hay có các cuộc họp hằng ngày, khi mà bạn có thể truy cập tới các ghi chú thông qua ngày hôm đó. Bạn cũng có thể theo dõi lịch sử của các ghi chú.

Nhược điểm mình có thể nghĩ tới là không phải lúc nào cũng bật máy tính sẵn sàng để ghi chú vào trang nhật kí hằng ngày này, sử dụng đồng bộ cùng điện thoại thì không tối ưu.

Content first (atomic notes)

Ở mô hình này, mình sẽ ưu tiên vào nội dung của ghi chú. Mỗi khi thu thập được kiến thức mới mình sẽ tạo một ghi chú. Khi đọc một quyển sách, đọc được bài blog hay, một ý tưởng mới, lên kế hoạch cho một chuyến đi,... bất kì thứ gì cũng có thể tạo ghi chú. Có thể có các daily note, nhưng đó không phải là điểm chính.

Các ghi chú trong mô hình này bình đẳng với nhau và được LIÊN KẾT với nhau. Dựa vào graph view của Obsidian bạn có thể theo dõi ghi chú nào chưa được liên kết (ghi chú mồ côi) hay những chủ đề nào đang được quan tâm.

Mô hình này phù hợp với những người thích tìm hiểu về nhiều vấn đề, tìm tọi mọi thứ. Và cách tiếp cận này là bot-to-top (từ dưới lên trên).

Topic first

Mô hình này tập trung vào các chủ đề lớn. Map of Content (MOC) là các ghi chú bản đồ chỉ dẫn tới các ghi chú có cùng chủ đề và ta sẽ phát triển các ghi chú dựa trên MOC. MOC có thể được tạo ra từ đầu hoặc khi tới điểm thắt cổ chai.

Mô hình này có thể phù hợp với học sinh, sinh viên khi mà các môn học trên trường là những chủ đề lớn mà ta phải nghiên cứu về nó. Với việc có các Topic, ta luôn biết mình cần phải tìm hiểu về vấn đề gì (tìm hiểu "12 favorite problems" của Feynman)

Zettelkasten có thể được xem là lai giữa mô hình Content và Topic. Khi mà ta có thể thu thập các ghi chú nguyên tử và phát triển dựa vào các chỉ mục.

Ta có thể phối trộn ZK với các mô hình khác

Action first

Như tên gọi, mô hình này dựa vào hành động. PARA là một phương pháp dựa trên mô hình này. Các chấm lớn tượng trưng cho các mục Project - Areas - Resources - Archive. Các note sẽ được lưu chuyển qua các "thư mục" này. Tuỳ vào bối cảnh mà đưa ra các hành động tiếp theo.

Đây cũng là nhược điểm của mô hình này, khi mà các ghi chú bị bó buộc vào một địa điểm cụ thể. Xem thêm Folder - Tag - Link.

Mình đang dùng mô hình nào?

Tuỳ thuộc vào bạn mà sẽ có cách phối trộn các mô hình lại với nhau cho phù hợp. Như mình, mình sử dụng Daily note làm trục chính và các ghi chú nguyên tử xung quanh, các MOC để giúp mình nghiên cứu các vấn đề lớn. Mình cũng có INBOX để chứa những thứ mình thu thập, mình sẽ xử lí nó mỗi ngày để nó không đầy tràn ra (mặc dù điều này chưa bao giờ xong :))

Việc tìm hiểu các mô hình sắp xếp ghi chú giúp ta ghi chú hiệu quả hơn.

We shape our tools and our tools shape us.

Chúng ta tạo ra công cụ và công cụ định hình chúng ta. Vì vậy hãy vận dụng nó một cách hiệu quả!

💬 Thảo luận Obsidian - Second Brain

Comments