Skip to content

Câu chuyện dòng sông

[Author::Hermann Hesse] - (Publication_Year:: 1922)

Ebook:: 📘 EPUB


Bài viết của thầy Nguyễn Tuấn

Nhà tôi ở dưới quê nằm bên cạnh một con sông. Thành ra, mỗi lần về quê tôi hay nằm võng chiêm nghiệm cái dòng sông và liên tưởng tới một trong những tiểu thuyết tôi thích nhứt là "Câu chuyện dòng sông" của văn hào Hermann Hesse. Cuốn này xuất bản năm 1922, còn tôi thì đọc từ năm đệ ngũ (tức lớp 8 ngày nay). Đó là một cuốn tiểu thuyết mang tính tự khám phá ý nghĩa của cuộc sống.

Thật ra, tựa đề cuốn tiểu thuyết là "Siddhartha" 1 , nhưng dịch giả dịch sang tiếng Việt là "Câu chuyện dòng sông". Người dịch (sau này tôi mới biết) là Thích Nữ Trí Hải, một tu sĩ nổi tiếng ở miền Nam.

Tác giả là văn hào người Đức Hermann Hesse (1877 - 1962), viết cuốn này trong thời gian Thế chiến thứ Nhứt (1914 - 1918). Trước đó, ông đã từng chu du qua Nam Dương, Tích Lan, và có thời sống ở Ấn Độ, nơi cha mẹ ông là người truyền giáo.

Có thể xem "Câu chuyện dòng sông" là câu chuyện đi tìm chân lí của chính tác giả. Kẻ đi tìm chân lí qua các giai đoạn cuộc đời bằng cách loại bỏ ‘cái tôi’ nhằm đi tìm hoà bình và đốn ngộ. Thật ra, đọc bản tiếng Anh cũng hay vì lời văn vô cùng trong sáng và dễ hiểu. Nếu các bạn học tiếng Anh thì đây là cuốn sách phải đọc.

Cuốn tiểu thuyết viết về một người thanh niên tên là Siddhartha, xuất thân từ một gia đình danh giá theo đạo Bà La Môn bên Ấn Độ. Tuy nhiên, Siddhartha không tin vào giáo lí Bà La Môn, và thế là anh cùng một người bạn thân tên là Govinda bỏ nhà đi lang thang để tìm chân lí của cuộc đời.

Một hôm hai người đến gặp Đức Phật và thấy rất thích triết lí của Phật. Govinda ở lại tu với Đức Phật. Nhưng Siddhartha vẫn ra đi vì anh nghĩ rằng chỉ qua trải nghiệm thực tế anh mới tìm được chân lí và hiểu mình.

Trên bước đường tìm mình, Siddhartha gặp một cô gái làng chơi hay kĩ nữ giàu có tên là Kamala 2, người được mô tả là có sắc đẹp mê hồn. Kamala có cảm tình với chàng vô sản Siddhartha, dạy cho anh ta nghệ thuật yêu đương và làm giàu. Thế rồi Siddhartha càng ngày càng rơi vào cái bẫy tình tiền: anh trở nên sa đoạ, vui với dục vọng và tiền bạc. Thế nhưng anh vẫn thấy mình trống không.

Thế rồi, anh lại bỏ nhà ra đi nữa. Một hôm anh đến một bờ sông và gặp người lái đò tên là Vasudeva. Chàng Siddhartha thấy dòng sông có nhiều cái hay và anh quyết định 'dừng bước giang hồ', chung sống với ông lái đò, suốt ngày chỉ đưa khách qua sông.

Đêm đêm, chàng Siddhartha lắng nghe dòng sông cùng những tiếng động linh thiêng, anh thấy dòng sông như là một người thầy dạy cho anh giữ tĩnh lặng, vị tha, không đam mê, không phán xét, không thành kiến. Dòng sông dạy cho anh rằng hãy sống cho ngày hôm nay, đừng sống cho cái bóng của ngày hôm qua hay cái ảo ảnh của ngày mai.

Trong lúc anh sống bên bờ sông thì Kamala đã hạ sanh cho anh một đứa con trai mà anh không hề hay biết. Câu chuyện bi thảm khi hai mẹ con đi hành hương viếng Phật, và nàng Kamala bị rắn cắn. Trước khi qua đời, Kamala đến gặp Siddhartha để trao đứa con trai mà anh sung suớng đón nhận.

Nhưng khổ nỗi đưa con trai quen cuộc sống giàu sang, nên nó bỏ anh về thành thị. Siddhartha nghiệm ra rằng đứa con trai của anh cũng như anh đã bỏ thân phụ ra đi và để lại cho ông nỗi khổ. Anh nghiệm ra rằng đứa con trai là một phần của anh, và anh là một phần của thân phụ anh, và tất cả qui về một gốc: Nhứt Thể. Anh trở thành kẻ giác ngộ bên bờ sông.

Câu chuyện kết thúc khi người bạn Govinda một hôm đi khất thực gặp lại Siddhartha bên dòng sông. Govinda hỏi bằng cách nào mà Siddhartha có được sự bình an, Siddhartha cho biết rằng đó là nghiệm ra Nhứt Thể, tất cả chỉ là một, rằng thời gian chỉ là ảo giác, và điều quan trọng nhứt là dành tình thương cho mọi vật trên thế gian.

Thấy người bạn mình vẫn còn đi tìm chân lí, Siddhartha bảo Govinda hôn lên trán anh, và vừa đặt môi hôn thì Govinda cảm thấy mọi nỗi đau đều tan biến, sự an lạc trở nên hiện hữu, và mình được khai sáng (còn gọi là "đốn ngộ").

Như các bạn thấy qua tóm lược cuốn tiểu thuyết, "Câu chuyện dòng sông" là một câu chuyện của người đi tìm chân lí, tìm "cái mình" (bản thể) và ý nghĩa của cuộc sống. Siddhartha tìm thấy chân lí và hiểu ý nghĩa cuộc sống khi dừng chân sống bên dòng sông.

Dòng sông là người thầy dạy cho Siddhartha biết cách lắng nghe, từ bỏ những tham vọng và cám dỗ, và cảm nhận sự thật Vô Thường. Dòng sông không có thời gian, không có quá khứ, không có tương lai. Dòng sông lúc nào cũng tự làm mới.

Hermann Hesse cho người lái đò nói một câu rất đáng nhớ: "Người ta có thể học được nhiều điều từ một dòng sông". Và, chúng ta cũng có thể học rất nhiều từ "Câu chuyện dòng sông".


  1. Đúng ra là Siddhartha Gautama, dịch sang tiếng Việt là Tất Đạt Đa Cồ Đàm, chính là tên của Thích Ca Mâu Ni. Tên Siddhartha có nghĩa là "người toại nguyện" (đạt được nguyện vọng của mình). 

  2. Kamala bây giờ là một cái tên nổi tiếng, vì ứng cử viên phó tổng thống Mĩ là Kamala Harris. Theo từ điển thì Kamala có nghĩa là "Lotus" và còn là tên của một nữ thần trong truyền thuyết Hindu. Tên của bà (Kamala Harris) cũng có thể đọc là "Ho Gam-lai" (Hồ Gấm Lài?) trong tiếng Quảng Đông.
     

Comments