Skip to content

ĐỜI NGƯỜI DƯỚI CHỦ NGHĨA HIỆN SINH VÀ CHỦ NGHĨA CẤU TRÚC

Bài viết sau đây có thể sẽ khiến người đọc cảm thấy giống như một thiên tình sử lãng mạn giữa các nhà triết học và các trào lưu học thuật. Tôi muốn nhấn mạnh rằng cuộc đấu tranh giữa các tư tưởng thì chưa bao giờ lãng mạn, và những nhân vật tôi nhắc đến trong bài viết cũng chỉ là những gợn sóng li ti trên đỉnh toà kim tự tháp lịch sử. Lịch sử nhào nặn nên những con người được coi là vĩ đại, nhưng thực tế họ cũng chỉ như chúng ta: sinh ra và chết đi trong thời gian. Là một cá nhân nhỏ bé, sống trong một thời đại khác và không gian khác, tôi sẽ không thể tránh khỏi sự giản lược khi nỗ lực kể một câu chuyện lớn. Tôi hi vọng độc giả hiểu được điều này, và nếu có nhu cầu đi sâu hơn vào tiểu tiết, hãy lần mò theo những tên riêng và những khái niệm đã được đề cập.

Về cơ bản, chủ nghĩa hiện sinh là niềm tin triết học cho rằng tất thảy mọi thứ là vô nghĩa, con người phải tự đi tìm ý nghĩa của toàn bộ mọi thứ bao gồm cả thế giới và cuộc đời mình (chân ngã) và con người có hoàn toàn đủ khả năng cũng như thẩm quyền để làm thế. Trong khi đó, chủ nghĩa cấu trúc cho rằng ngay cả khi mọi thứ có hay không có ý nghĩa, thì con người cũng chẳng thể hiểu được, thậm chí không được quyền tự do hay có khả năng để đi tìm “chân ngã” như chủ nghĩa hiện sinh vẫn lầm tưởng.

1. Sự lên ngôi và xuống dốc của chủ nghĩa hiện sinh

Sau những bể máu của chiến tranh thế giới thứ hai, nước Pháp, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến tranh nếu so sánh với toàn bộ thế giới phương Tây, cần một người anh hùng làm điểm tựa. Jean-Paul Sartre, triết gia gắn tên tuổi mình với chủ nghĩa hiện sinh (existentialism), trở thành người anh hùng đó. Những luồng tư tưởng đa dạng và không nhất quán thời tiền chiến, đến từ cả đất Pháp và đất Đức (tất nhiên phần nhiều bị xé toạc trong thảm hoạ phát xít Đức và cuộc đại chiến), như hiện tượng học của Husserl, bản thể học của Heidegger, chủ nghĩa Marx của Lefebvre, chủ nghĩa hư vô của Nietzsche, phân tâm học của Freud, cùng với tư tưởng hiện sinh trong văn thơ và triết học Tây Âu có tuổi đời hơn một thế kỷ, đã được Sartre thống nhất thành một hệ thống tư tưởng trong kiệt tác ông viết năm 1943 - Being and Nothingness (Tồn tại và Hư vô).

Jean-Paul Sartre trở thành một học giả siêu sao (intellectual celebrity) trong cả địa hạt hàn lâm và đại chúng. Nước Pháp hiếm khi có những siêu sao như vậy, nếu so sánh với những Kant, Hegel, Schopenhauer, Husserl, Jasper, Heidegger và nhiều yếu nhân khác của nước Đức. Trước khi Sartre trở thành siêu sao, người Pháp 50 năm trước đó chỉ có Henri Bergson, và kéo lùi tiếp vài thế kỷ mới đến Rene Descartes - người đặt nền móng cho triết học hiện đại. Tên tuổi của Sartre lớn đến mức làm lu mờ toàn bộ những tên tuổi thời hậu chiến. Cuốn Being and Nothingness của Sartre được sinh viên triết thế hệ sau như Gilles Deleuze, ví như một tảng thiên thạch rơi xuống từ bầu trời xuống giảng đường; tức là, dù có cố gắng thế nào thì thế hệ trẻ, với sức sáng tạo vô biên, cũng không thể đi vòng qua tầm ảnh hưởng của Sartre mà đều phải bước qua nó 1.

Vậy chủ nghĩa hiện sinh là gì? Trước khi nói đến những nội hàm của tư tưởng này, người đọc cần hiểu một cách ngắn gọn về lịch sử của những trường phái triết học đặt con người làm trung tâm, gọi chung là chủ nghĩa nhân văn (humanism). Kéo dài suốt 15 thế kỷ từ đầu công nguyên cho đến thế kỷ 20, chủ nghĩa nhân văn chịu ảnh hưởng khổng lồ từ quan niệm về Chúa và con người trong Thiên Chúa Giáo, với tên tuổi lớn đầu tiên khái quát những quan niệm trên thành triết thuyết là Hildegard von Bingen 2 của thế kỷ thứ 11. Chủ nghĩa nhân văn phát triển rực rỡ vào thời Phục Hưng thế kỷ 14, khi người châu Âu tin rằng họ có thể kéo thiên đàng xuống mặt đất và sống như thần tiên, vì con người mang hình hài của Chúa. Đó là lý do vì sao tượng David của Michelangelo lại mang dáng dấp của thần Aphrodite 3, hay những bức tranh tôn giáo vĩ đại của thời Phục Hưng lại được vẽ với kỹ thuật điểm tụ tạo chiều sâu - vốn là hiệu quả của đặc tính sinh học của mắt người 4. Đến thời Khai sáng bắt đầu từ thế kỷ 16, bằng niềm tin vào trí tuệ vô hạn của loài người, các triết gia đã loại bỏ sự tồn tại của Chúa trời trong lập luận triết học của mình. Điển hình như Descartes có thể chứng minh sự tồn tại của bản thân mình mà không cần viện đến thuyết sáng thế của Chúa, hay Spinoza biến Đức thánh thần vô hạn về sức mạnh thành tất thảy thế giới vật chất và sáng lập ra thuyết phiếm thần (Pantheism - phủ nhận sự tồn tại của một Đấng sáng tạo duy nhất) 5. Cho đến tuyên ngôn “Chúa đã chết” vào thế kỷ 19 của Nietzsche, tư tưởng phương Tây chính thức được thế tục hóa (secularized) tương đối triệt để khi so với thời kỳ Cổ Trung Đại 6.

Nếu như không còn Chúa trời, thì kẻ nào quyết định số phận và mục đích sống của con người nữa đây? Phải chăng con người đã đến lúc phải tự tay nắm lấy số phận của cá nhân mình và tự tìm nghĩa cho cuộc đời, vì đấng tối cao không còn tồn tại. Chúng ta là Chúa, vì chúng ta có khoa học. Có thể nói, chủ nghĩa hiện sinh là đỉnh cao cuối cùng của chủ nghĩa nhân văn, trước khi lịch sử tư tưởng phương Tây bước sang một hồi mới. Ít nhất, Sartre đã tuyên bố như vậy khi ông viết cuốn Existentialism as a Humanism (Chủ nghĩa hiện sinh là một thuyết nhân bản). Nó nhấn mạnh tầm vóc tuyệt đối của con người cá nhân, tách khỏi cả đời sống xã hội và đời sống tự nhiên.

Cụ thể, mệnh đề quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện sinh là “tồn tại có trước bản chất” 7. Một cách dễ hiểu nhất, chủ nghĩa hiện sinh cho rằng con người sinh ra không có một bản thiết kế định sẵn nào, dù là bản thiết kế của Chúa trời, hay của sinh học, định nghĩa tính chất của y, cuộc sống tiếp theo của y sẽ ra sao và y sẽ chết đi như thế nào. Khi con người được sinh ra, không thể phủ nhận rằng y đang tồn tại, nhưng sự tồn tại đó là trống rỗng về ý nghĩa và bản chất. Đó là lý do Sartre nói: “Con người bị kết án phải tự do”. Trong một cuộc đời không có số phận, con người phải tự tạo ra ý nghĩa cho đời mình; nói cách khác, bản chất của con người là thứ được tạo ra bởi chính con người. Để sống một cuộc đời có ý nghĩa, cá nhân phải nhận ra sự trống rỗng về mục đích sống của mình, từ đó có ý thức đi tìm cái chân ngã (authentic self). Chân ngã là một vị trí xã hội trong đó cá nhân có ý thức tuyệt đối về sự tồn tại của mình, những trách nhiệm xã hội mình gánh vác, cũng như có ý thức tạo ra ý nghĩa và số phận của chính mình. Nếu không làm được điều đó, sự tồn tại của cá nhân bị Sartre gọi là “niềm tin xấu (bad faith)”.

Di sản được chấp nhận cho đến ngày nay của “tồn tại có trước bản chất” là sự chống lại chủ nghĩa quy chất (essentialism) và chủ nghĩa thực chứng (positivism). Nói cách khác, chủ nghĩa hiện sinh cho rằng bản chất của con người không có sẵn, vì thế, nó không thể được tìm ra bằng những phương pháp khoa học tự nhiên. Thay vào đó, một học giả phải nhìn con người trong một quá trình liên tục trở thành thứ khác y trước đây. Tuy vậy, diễn giải nhuốm màu nhị nguyên luận Descartes của Sartre, rằng chân ngã của con người là siêu nghiệm (transcendence) lại mâu thuẫn với những nhận định trước của ông. Sartre cho rằng, con người luôn trong trạng thái đi tìm chân ngã và hướng đến cái cao cả siêu vượt khỏi cõi sống. Điều đó có nghĩa là, bất kể cá nhân sinh ra thế nào, sự tồn tại của hắn cũng có thể được sửa chữa và can thiệp cốt để hắn trở thành một cá nhân tốt hơn. Nên nhớ, Sartre từng là một người đặt niềm tin vào chế độ cộng sản ở Liên Xô. Ông tin rằng con người xã hội chủ nghĩa theo kiểu Stalin là thứ có thể tạo ra được. Kỳ vọng nhiều thì cũng thất vọng nhiều - Sartre chính thức từ bỏ chủ nghĩa cộng sản sau khi những cỗ xe tăng của Liên Xô dập tắt cách mạng Hungary 1956 trong biển máu.

Đúng, đi tìm chân ngã là một điều rất khó, khó đến độ bất khả. Chính vì vậy, những đồng minh hiện sinh của Sartre như Albert Camus và Samuel Beckett đã nhận định, sự tồn tại của con người là hoàn toàn phi lý (absurd), như một luận cứ chắc chắn hơn cho Sartre. Tính phi lý nằm ở việc không có ý nghĩa nào tồn tại sẵn trước sự tồn tại của con người. Mọi ý nghĩa của thế giới này nằm ở những gì con người gieo vào thế giới. Con đường đi đến chân ngã có lẽ giống hệt như sự trừng phạt đối với Sisyphus (Thần Thoại Sisyphus) trong thần thoại Hi Lạp - đẩy một tảng đá lên đỉnh núi, tảng đá lăn xuống vị trí cũ, xuống núi làm lại từ đầu, đến vô tận. Làm sao để thoát khỏi hoàn cảnh này? - Camus tự hỏi, và ông tự trả lời - hãy tự sát 8. Nhưng đừng hiểu tự sát là treo cổ hay cắt tay. Đối với Camus, chỉ sự tự sát có tính triết học (philosophical suicide) mới dẫn con người đến tự do. Tự sát tức là tước quyền sát khỏi tay Chúa, tự sát triết học tức là tước quyền tạo nghĩa khỏi tay Chúa. Một khi con người tự hỏi về ý nghĩa sự tồn tại của chính mình, hắn đã quyết định bước chân ra khỏi cuộc sống, vì chẳng người sống bình thường nào lại tự hỏi về bản chất tồn tại của chính mình cả.

Câu hỏi lớn mà nhiều người đặt ra ở đây là, thế tóm lại chủ nghĩa hiện sinh sinh ra để làm gì? Nó chẳng hàn gắn một thế giới đã tan vỡ vì chiến tranh, chẳng đóng góp quan điểm chính trị cho cuộc chiến mới - Chiến tranh lạnh, không cung cấp khung tham chiếu về phương pháp cho nghiên cứu hàn lâm, và cũng chẳng bảo người dân phải làm gì để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì lẽ này, chủ nghĩa hiện sinh gặp phải vô vàn chỉ trích, đặc biệt là sau những năm 50 của thế kỷ 20. Những người Công giáo thì bảo chủ nghĩa này chỉ là phiên bản “rebrand” của chủ nghĩa vô thần. Những người cộng sản thì lên án hiện sinh là một tư tưởng hư vô kiểu tư sản lãng mạn. Và những nhà lý thuyết phê phán (critical theorists), chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chủ nghĩa cấu trúc (structuralism) mà tôi sẽ nói tới đây, cho rằng tư tưởng hiện sinh kéo ngược con người trở lại một thứ chủ nghĩa duy vật thô sơ. Trong một vũ trụ vật chất vô tri, bỗng nhiên tồn tại con người có tri giác, hết chuyện.

Và hiển nhiên bất cứ tư tưởng nổi trội nào cũng sẽ trở thành mục tiêu bắn phá của những nhà tư tưởng bất đồng quan điểm. Martin Heidegger, tác giả của Being and Time (Tồn tại và Thời gian) - cuốn sách được mệnh danh là có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến kiệt tác của Sartre - phải tuyên bố rằng Sartre chẳng hiểu gì về Heidegger. Trong Letter to Humanism (Bức thư tới chủ nghĩa nhân văn), Heidegger đã giải trình những bất đồng với Sartre, và tất nhiên, tìm mọi cách để khẳng định rằng ông không dính dáng tới chủ nghĩa hiện sinh. Nhà hiện tượng học vĩ đại người Pháp Maurice Merleau-Ponty - người cùng thế hệ với Sartre, cũng giữ khoảng cách với chủ nghĩa hiện sinh, và phủ nhận thế giới quan Descartes của Sartre bằng cách tuyên bố thân xác con người là kết tinh của sự tồn tại, chứ không có sự phân đôi thể xác-linh hồn nữa. Nhưng những phê phán then chốt nhất nhắm vào chủ nghĩa hiện sinh, có lẽ đến từ lớp sinh viên do Sartre giảng dạy - những người dù không tuyên bố nhưng vẫn bị xếp chung vào một nhóm mang tên các nhà cấu trúc luận (structuralist).

2. Chủ nghĩa cấu trúc và sự kết thúc của ảo tưởng tự do

Cũng vào năm 1945, khi Jean-Paul Sartre trở thành siêu sao triết học, thì chàng trai Michel Foucault, tròn 18 tuổi, rời bỏ quê nhà Poitiers và nhập học ở Trường Sư phạm phố Ulm danh tiếng (École Normale Supérieure). Foucault sớm được ghi nhận là một thiên tài, trở thành bạn với người thầy Sartre của mình, dù sau đó, ngoài việc cùng tham gia vào những cuộc biểu tình ở Paris, họ không còn trao đổi nhiều với nhau. Lý do là bởi, chỉ trong một thời gian ngắn, Foucault đã chán ngấy việc phải đi tìm những lý tưởng chân ngã của con người.

Foucault tự sát một vài lần, tham gia đảng cộng sản Pháp theo lời mời của người bạn thân Louis Althusser, và cũng sớm từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Ông đã đi du lịch khắp châu Âu, gặp những người bạn/người thầy lớn như Gaston Bachelard - nhà triết học khoa học đóng góp vào ý tưởng về sự không liền mạch của lý tính trong triết học của Foucault qua khái niệm sự đứt gãy nhận thức luận (epistemological break), Ludwig Binswanger - nhà phân tâm học hiện tượng người Thuỵ Sỹ đã đưa ông tới những công trình của nhà ngôn ngữ học cấu trúc vĩ đại Ferdinand de Saussure. Quan trọng nhất, Foucault được tiếp cận nghiêm túc với những tác phẩm của Nietzsche, và nhận ra rằng con người tự do của chủ nghĩa hiện sinh chỉ là một ảo tưởng, vì khi con người giết chết Thượng đế, họ cũng đã giết chết luôn cả chính mình - cái bóng của Ngài 9.

Mối quan hệ giữa Michel Foucault và chủ nghĩa cấu trúc vô cùng lằng nhằng, và ông cũng từng nói rằng tư tưởng của mình gần với hình thức luận (formalism - một ngành nghiên cứu về ý nghĩa của văn bản bên trong cấu trúc ngôn ngữ) ở Nga hơn là cấu trúc luận Pháp. Vậy mà một thời điểm, báo chí Pháp đã tung hê cái tên “Biệt đội bốn tên (Gang of Four)” của cấu trúc luận, bao gồm Claude Levi-Strauss, Roland Barthes, Jacques Lacan và Michel Foucault. Câu chuyện tiếp tục lằng nhằng hơn nữa khi nói về mối quan hệ giữa hình thức luận và cấu trúc luận. Tôi không thể kể một tự sự tuyến tính như khi nói về chủ nghĩa hiện sinh, vì cấu trúc luận có nguồn cơn phát triển từ rất nhiều ngành khác nhau: Ngôn ngữ học, Nhân học và Phê bình văn học, chứ ít có cái gốc của triết học.

Dẫu vậy, tôi vẫn có thể đưa ra một mệnh đề quan trọng của chủ nghĩa cấu trúc, và sẽ giải thích dần dần qua lịch sử của nó ở phần dưới. Ngược lại với sự tự do cá nhân của chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa cấu trúc cho rằng con người nhận ra chính mình, ý nghĩa của cuộc đời mình, sự sinh và diệt của mình bên trong một cấu trúc lớn hơn họ rất nhiều. Cấu trúc này thường được định đoạt bởi ngôn ngữ.

Ý tưởng này xuất phát từ những luận đề ngôn ngữ học của Ferdinand de Saussure 10. De Saussure cho rằng tất cả những sự vật và hiện tượng chúng ta tiếp xúc với trong đời sống hàng ngày đều là những ký hiệu (sign). Nôm na, con người tiếp cận và hiểu về thế giới bằng cách đóng khung nó vào một hệ thống ký hiệu. Ký hiệu bao gồm hai thành tố - cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified). Cái biểu đạt là bề mặt vật chất của ký hiệu, bao gồm ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh… Cái được biểu đạt là ý niệm trong đầu con người về thứ mà ký hiệu nói về. Giả dụ, tôi muốn nói với bạn về cái cốc, nhưng do giới hạn của nhận thức, tôi buộc phải dùng ngôn ngữ để nói “Kia là cái cốc!”. Cái cốc là một ký hiệu, bao gồm cái biểu đạt - từ “cái cốc”, âm thanh khi giọng tôi vang lên, và hình ảnh của cái cốc, và cái được biểu đạt, là hình dung của tôi và bạn về cái cốc ở bên trong đầu mình.

Từ mô hình ký hiệu học (semiotics) này, de Saussure nêu ba luận đề về ngôn ngữ: (1) Bề mặt từ vựng của ngôn ngữ là hoàn toàn võ đoán, chứ không có nguồn gốc từ một ý nghĩa tuyệt đối mà ký hiệu cố gắng nói về; (2) Các ký hiệu không tự thân có nghĩa, chúng chỉ có nghĩa khi được xếp bên cạnh nhau thành một mạng lưới; (3) Ngôn ngữ không có nghĩa vụ mô tả lại thế giới, mà nó góp phần tạo ra thế giới. Nói đơn giản, con người tồn tại bên trong ngôn ngữ hơn là bên trong thế giới vật chất. Tuy lập luận rằng thế giới ngôn ngữ và thế giới vật lý tồn tại biệt lập, de Saussure vẫn có tham vọng rằng bản chất của thế giới này có thể được tìm ra trong ngôn ngữ. Hay nói chính xác hơn, sự thật nằm ở phần sâu nhất của cái được biểu đạt trong đầu chúng ta.

Hai người kế thừa ngôn ngữ học cấu trúc của de Saussure là nhà nhân học Pháp Claude Lévi-Strauss và nhà phê bình văn học người Nga Roman Jakobson - người phải chạy nạn sang Mỹ sau khi Lenin chiếm chính quyền ở Moscow. Ông cũng là người nghĩ ra cụm từ “structuralism”. Tình cờ thay, Levi-Strauss cũng ở Mỹ và gặp Jakobson trong một hội thảo. Khi về Pháp, Levi-Strauss đã mang cụm từ này theo và biến nó thành cả một triết thuyết về khoa học con người. Levi-Strauss bảo, bản sắc của mỗi con người và mỗi nền văn hoá được định đoạt bởi cấu trúc ngôn ngữ. Trên thế giới này có vô vàn văn hoá, nhưng những quy luật về cấu trúc ngôn ngữ có thể áp dụng được phổ quát ở mọi nơi. Ông bảo, nền văn hoá nào cũng được xây dựng dựa trên chuỗi nhị nguyên đối lập “ký hiệu A-cái không phải ký hiệu A”: sự sống-cái chết, yêu-ghét, đúng-sai, cao-thấp, sạch-bẩn, ta-kẻ khác...

Tham vọng của Levi-Strauss là từ việc nghiên cứu về những quy luật trong ngôn ngữ, ông có thể tìm thấy bản chất của con người và văn hoá. Bởi lẽ, con người đã luôn là sản phẩm của cấu trúc ngôn ngữ nó thuộc về. Ngay cả sự tự do cũng chỉ là một yếu tố ra đời trong ngôn ngữ và thuộc về chuỗi nhị nguyên tự do-nô lệ. Levi-Strauss đặt tên ngành nghiên cứu của mình là nhân học cấu trúc (structural anthropology). Đây là một trong những chiếc đinh dài nhất đóng vào cỗ quan tài của chủ nghĩa hiện sinh. Chủ nghĩa cấu trúc, trong một thời gian ngắn, tiếp tục bị thay thế bởi chủ nghĩa hậu cấu trúc (post-structuralism) - góc tiếp cận học thuật có tuổi thọ dài nhất trong lịch sử ngành nhân văn hiện đại (~50 năm). Nhưng chúng ta sẽ bàn về nó vào một dịp khác.

Từ những nguồn cơn học thuật này, chủ nghĩa hiện sinh dần rơi vào quên lãng. Rốt cục ta cũng phải nhận ra rằng những than vãn về sự vô nghĩa của cuộc đời và tham vọng đi tìm bản thể “là chính mình nhất” thật ngây thơ, ngây thơ đến mức vô dụng. Bởi lẽ lúc đó triết gia đã bỏ quên những văn cảnh chi phối sự hiểu biết của con người. Tính cá nhân đã bị tuyệt đối hoá, kéo theo sự quên lãng tính chất xã hội của giống loài chúng ta.

Quay lại với Foucault, từ năm 18 tuổi cho đến khi học hết tiến sĩ, ông đã viết vô số sách. Song đợi mãi đến năm 1962, ông mới có kiệt tác để đời đầu tiên của mình - Madness and Civilization (Chứng điên và nền văn minh). Những luận điểm tấn công của cuốn sách, dĩ nhiên, nhắm đến cái chân ngã của Jean-Paul Sartre. Foucault 11 chỉ ra rằng khi nhận định nghĩa vụ của con người là đi tìm chân ngã và phê phán niềm tin xấu, Sartre đã bỏ qua sự chi phối của lịch sử và văn hoá lên con người. Chân ngã sẽ không bao giờ là điểm dừng cuối cùng của ý nghĩa kiếp người, nó là một sản phẩm được kiến tạo ra ở phương Tây thế kỷ 19. Trước đó, và ở những xã hội khác, không có tiêu chuẩn về năng lực nhận thức cố định, vì sự nhận thức được tạo ra sao cho phù hợp với từng văn cảnh. Và nếu ta cứ đào càng sâu vào lịch sử, ta càng thấy con người từng trải qua vô số dạng thức của cái Tôi. Chân ngã của chủ nghĩa hiện sinh chỉ là nỗ lực tuyệt đối hoá nền duy lý phương Tây mà thôi.

Cuộc tấn công thứ hai của Foucault vào triết học hiện sinh nằm trọn vẹn trong tác phẩm được cho là vĩ đại nhất của ông - The Order of Things (Trật tự vạn vật). Cuốn sách này đưa Foucault, thay thế Sartre, vào vị trí của học giả quan trọng nhất nước Pháp đương thời. Trong The Order of Things, Foucault 12 trình bày một phổ vấn đề rộng khắp trên hằng hà sa số lĩnh vực mà chủ nghĩa hiện sinh đã coi là hiển nhiên: Ngôn ngữ, lịch sử, tri thức, sự thật… Ý tưởng quan trọng nhất đó là, mọi ý tưởng và hành vi của con người cá nhân, những thứ vốn dĩ được chủ nghĩa hiện sinh coi là tự do, thì giờ đây được chứng minh là sản phẩm của những cấu trúc xã hội khổng lồ. Chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa cấu trúc có thể cùng đồng ý với một luận điểm rằng không có ai tự sinh ra đã là người, mà họ sinh ra để trở thành con người. Điểm khác biệt then chốt nhất đó là một bên coi sự trở thành ấy được quyết định tuyệt đối bởi chủ thể con người, còn một bên coi sự trở thành là sản phẩm của niên đại, văn hoá và địa lý.

Như vậy, đời người và những ý niệm xoay quanh nó như sinh tử, vị thế xã hội, quyền lực, và sự tự do, được nhìn theo những cách rất khác nhau thông qua hai lăng kính lý thuyết của chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa cấu trúc. Và dù rằng, chủ nghĩa hiện sinh đã thua cuộc trong cuộc đua của tư tưởng, song nó vẫn có ý nghĩa nhất định cho nhận thức của chúng ta. Nó đã vẽ nên một ảo ảnh quá đẹp về con người tự do dám lao vào hư vô và tự xây dựng nên ý nghĩa cho cuộc đời mình. Chính bởi sự lý tưởng ấy, chủ nghĩa hiện sinh thất bại, nhường chỗ cho góc nhìn bi quan hơn rất nhiều về kiếp người của chủ nghĩa cấu trúc. Ta sinh ra để trở thành ai? Cấu trúc sẽ quyết định. Ta hiểu về chính mình thế nào? Cấu trúc sẽ quyết định. Ta đối mặt với sự sống và cái chết - hai khoảnh khắc quan trọng nhất của đời người ra sao? Cấu trúc sẽ quyết định…

Albert Camus 13 viết: “Giữa bầu trời này và những gương mặt hướng lên nó, chẳng có thứ gì chất chứa một huyền thoại, một áng văn, một đạo đức, và một tôn giáo - chỉ có những tảng đá, những thớ thịt, những vì sao, và những sự thật bàn tay ta có thể chạm tới”. Thật đau đớn và bẽ bàng biết bao khi nhận thức được nỗi cô đơn tột cùng của loài người trong vũ trụ lặng thinh. Nhưng chủ nghĩa cấu trúc sẽ bảo đây chưa phải điều đáng sợ nhất. Điều đáng sợ nhất là loài người sẽ chẳng bao giờ chạm đến bất cứ chân lý vẹn toàn nào, kể cả chân lý của sự sinh và diệt. Họ chỉ là con rối của những cấu trúc vĩ đại hơn mình.


Refercences/Tài liệu tham khảo


  1. J. Miller, The Passion of Michel Foucault. Cambridge, Mass: Harvard University Press, 2000. 

  2. R. Braidotti, The posthuman. New York: Polity Press, 2014. 

  3. R. Braidotti, The posthuman. New York: Polity Press, 2014. 

  4. J. Berger, Ways of Seeing. London: British Broadcasting Corporation, 2008. 

  5. J. Israel, Radical Enlightenment. Oxford: Oxford University Press, 2001. 

  6. F. Nietzsche, Thus Spake Zarathustra. London: Arcturus, 2019. 

  7. Stanford Encyclopedia of Philosophy, (2020, Jun 9). Existentialism [online]. Available at: https://plato.stanford.edu/entries/existentialism/ 

  8. A. Camus, The Myth of Sisyphus. New York: Vintage Books, 2018. 

  9. J. Miller, The Passion of Michel Foucault. Cambridge, Mass: Harvard University Press, 2000. 

  10. P. Barry and J. McLeod, Beginning Theory: An Introduction to Literary and Cultural Theory: Fourth Edition. Manchester: Manchester University Press, 2020. 

  11. M. Foucault, Madness and Civilization: A History of Insanity in the Age of Reason. New York: Random House US, 2013. 

  12. M. Foucault, The Order of Things: An Archaeology of the Human Sciences. London: Routledge, 2018. 

  13. A. Camus, and P. Thody, Lyrical and Critical Essays. New York: Knopf, 1968.
     

Comments