Skip to content

Hồi tâm

Hồi Tâm là cùng Chúa nhìn lại ngày sống, điểm lại các hoạt động nhằm giúp bạn ý thức hơn về sự hiện diện và hoạt động của Chúa, sự đáp trả của bạn với Chúa, và là cơ hội để nhìn vào chính mình với quyết tâm đổi mới. Mỗi ngày, ít nhất 1 lần, thánh I-Nhã khuyên ta nên ngừng lại để “hồi tâm.” Phút Hồi Tâm được làm khoảng 15-20 phút, gồm 5 bước.

Một cách dễ nhớ, bạn có thể thực hành Phút Hồi Tâm với năm ngón tay.

Để bắt đầu, bạn hãy ý thức đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Làm một cử chỉ nào đó giúp mình ý thức hơn về sự hiện diện này như làm Dấu Thánh Giá, cúi chào.....

Bước 1: Ngón cái

Ngón cái: là ngón đầu tiên, gần ta nhất, tượng trưng cho bước thứ nhất là “Tạ Ơn”. Tạ ơn là tâm tình đầu tiên, là căn tính cơ bản của người Kitô, là nhìn nhận tất cả mọi sự tôi là, tôi có, tôi đang hiện hữu... là món quà từ Thiên Chúa. Nhìn lại những món quà đó trong ngày hôm nay như: niềm vui, bình an, sức khỏe, v.v... Hãy dâng lên Chúa lời tạ ơn với một tấm lòng biết ơn sâu sắc của một tạo vật hèn kém.

Bước 2: Ngón trỏ

Ngón trỏ: chỉ cho ta hướng đi đúng, tượng trưng cho bước thứ hai là “Xin Ơn Soi Sáng”. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng, chỉ cho ta thấy sự hiện diện của Chúa qua mỗi biến cố, và cũng xin Ngài “trỏ” cho ta thấy sự hoạt động của thần dữ lôi kéo ta trong ngày. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn tôi có cái nhìn giống như Chúa nhìn.

Bước 3: Ngón giữa

Ngón giữa: cao nhất, tượng trưng cho bước thứ ba “Nhìn Lại Ngày Sống” là bước dài nhất, chiếm nhiều giờ nhất, cần phải đi vào chi tiết, vào chiều sâu của mỗi biến cố. Nhìn lại ngày sống của mình, từ lúc làm phút hồi tâm lần trước tới bây giờ qua các biến cố, sự việc đã xảy ra.... Những suy nghĩ, lời nói, cảm xúc, phản ứng của tôi.... Những biến chuyển nội tâm, những động lực thúc đẩy....

  • Thần lành ở đâu, thần dữ ở đâu, tôi ở đâu trong mỗi biến cố đó?
  • Tôi đã ngả theo sự lôi cuốn nào? Đã đáp trả ra sao? Sự đáp trả của tôi dắt tôi tiến về gần Chúa hơn, hay dắt tôi đi xa Chúa hơn?
  • Chúa đã tỏ tình thương của Ngài đối với tôi như thế nào qua các biến cố ấy?

Bước 4: Ngón áp út

Ngón áp út để đeo nhẫn cưới, là ngón để diễn tả tâm trạng đang yêu, được yêu, và muốn ràng buộc với người mình yêu, tượng trưng cho bước thứ tư là “Xin Ơn Tha Thứ và Chữa Lành”. Có yêu thì mới xin tha thứ những yếu đuối sơ sót, thói quen không tốt, ý nghĩ sai lạc... để yêu tiếp, để ý thức hơn sự hiện diện của người yêu bên cạnh mình. Có yêu mới mạnh dạn xin Thiên Chúa Tình Yêu chữa lành tâm hồn, cất đi những gánh nặng nề, những gian nan vất vả, vết thương nơi lòng mình... Có yêu mới chạnh lòng tha thứ cho nhau, và mong mỏi được chữa lành vết thương cho người mình yêu.

Bước 5: Ngón út

Ngón út: thấp nhất, yếu nhất, là ngón cuối cùng trong năm ngón tay để chỉ bước cuối cùng trong phút hồi tâm là “Hướng Về Những Ngày Sắp Tới Với Quyết Tâm Đổi Mới”. Tương lai không thuộc về tôi và tôi không làm chủ được tương lai mình, phận người bất lực và yếu đuối, yếu như ngón tay út bé nhỏ. Hãy dâng lên cho Chúa ngày mai vô định đó với quyết tâm đổi mới. Xin Chúa cho tôi ý thức hơn và nhạy bén hơn về sự hiện diện của Chúa trong những ngày sắp tới. Có thể tự hỏi lòng mình những câu như:

  • Tôi sẽ làm gì để có thể sống một ngày mai hạnh phúc hơn, ý nghĩa hơn?
  • Tôi cần thay đổi điều gì trong lời ăn tiếng nói, trong cách hành xử và trong lối sống của tôi?

Kết thúc Phút Hồi Tâm bằng 1 lời cầu nguyện, hoặc kinh Lạy Cha, hoặc 1 kinh nào tôi ưa thích!

Comments