Skip to content

KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH LÀ CÁI "ĐẾCH" GÌ?

Bạn hãy lưu ý rằng, thường thường đằng sau những tuyên ngôn có vẻ khủng là những thứ chẳng đáng giá gì; bạn đừng mong đợi những dòng sau sẽ thỏa mãn được sự ham hố tò mò của mình, nó chăng có gì hấp dẫn, và nó cũng chẳng đem lại được gì đáng kể - cùng lắm nó chỉ khơi gợi cho những bạn trẻ nào thực sự đã và đang gặp "khủng hoảng hiện sinh" tìm đọc sách, chịu suy tư, trải nghiệm cuộc sống theo những cách khác, và trưởng thành

MỘT CÁCH ĐỊNH NGHĨA CỦA Viktor E Frankl

"... HÃY GHI NHẬN CHÍ HƯỚNG TÌM KIẾM Ý NGHĨA CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG NGƯỜI TRẺ!"

Đó là một trong những câu mà nhà tâm thần học - tâm lý trị liệu phái Logotherapy 1 Viktor Frankl - người mà các bạn quen thuộc nếu đã đọc cuốn dịch "Đi tìm lẽ sống - Man's search for Meaning", đã nói trong bài chia sẻ của ông với sinh viên tại Đại học Toronto, 1972. Câu nói này có thể xem như là định nghĩa cho "khủng hoảng hiện sinh": con người khác con vật ở chỗ - liên tục từ khi mới ra đời cho đến lúc chết đi, nó bị cuốn hoặc tự mình dấn thân vào công cuộc tìm kiếm ý nghĩa sống!

MỘT KHÁI NIỆM MƠ HỒ

"Tìm kiếm ý nghĩa sống" - một khái niệm rất mơ hồ và rộng lớn nhưng đồng thời cũng rất cụ thể thiết thân, vì dường như nó có thể được mô tả bằng vô số cách khác nhau, về những cảm xúc, cảm nhận, những tâm trạng.. của chúng ta khi chúng ta ở trong thứ khủng hoảng ấy - khủng hoảng vì vật vã muốn biết một câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi: sống là để làm gì? Vì sao lại cần sống thay vì chết quách đi?

NHƯNG RẤT THỰC TẾ

Mất đi cơ hội tìm kiếm ý nghĩa sống, dù là vì lý do gì, dù là theo cách hiểu nào, cũng đều nhanh chóng đẩy người ta sa vào khủng hoảng, theo nghĩa này hay nghĩa khác.

Từ những đứa bé không được cha mẹ tôn trọng ý kiến và chơi đẹp với chúng; đến những thanh thiếu niên đang dần phải đối diện với vô vàn những cơ hội/nguy cơ trong đời mình khi bước tới ngưỡng dậy thì và ngưỡng đầu thời kì trưởng thành - mà lại không được cha mẹ hoặc xã hội yêu thương dẫn dắt để các bạn trẻ này được triết lý và được trăn trở suy tư về ý nghĩa sống. Đứa trẻ sẽ sinh hư hoặc hỗn lão - đó là cách nó trải nghiệm và bộc lộ "khủng hoảng hiện sinh" khi không được cha mẹ hiểu và ghi nhận mong muốn "tìm kiếm ý nghĩa sống" cùa thân thể và tâm trí nó. Các cô cậu bé mới lớn sẽ nói dối, thử cắn thuốc, thử gia nhập các hội nhóm kín, sẽ suy tư đủ thứ và sẽ bắt đầu hay nói triết lý... như một cách để tìm kiếm ý nghĩa sống, khi không được cha mẹ hoặc người lớn khác dẫn dắt để trải nghiệm khủng hoảng hiện sinh tuổi dậy thì theo một cách "lành mạnh" hơn. Hoặc, khi người ta có rất nhiều tiền, người ta từng có rất nhiều hạnh phúc, nhưng một ngày người ta gặp cú shock lớn, và người ta bỗng buột miệng tự hỏi: TIỀN NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ?

"Ý NGHĨA SỐNG" là một cụm từ vô cùng rộng và sâu, từ cách cha mẹ cho con ăn những năm tháng đầu đời, đến cách mà họ thưởng phạt con, cách họ dạy và chơi cùng con, cách mà họ làm tương phản hay đồng nhất cách họ dạy, đến việc bất nhất/ hay tương đồng giữa môi trường sống gia đình với môi trường xã hội.

KHỦNG HOẢNG LÊN BA VÀ KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH

Nếu khủng hoảng lên ba cho chúng ta thấy sự xuất hiện của tự ý thức ở mức sơ khai của nó - em bé bắt đầu ý thức được dần sự toàn vẹn tương đối của cơ thể mình, bắt đầu học cách dùng đầu để bảo thân thể và ngược lại, và em bé rất thích thú nếu được người lớn tôn trọng và hướng dẫn bé khám phá những năng lực mang tính gắn kết giữa nào và thân xác; thì khủng hoảng hiện sinh có thể trải dài trên một phổ rất rộng: nó có thể xuất hiện rất sớm ở những em học sinh cấp 2 cấp 3, nó có thể xuất hiện ở những sinh viên đại học, nó có thể chẳng hiện hữu cho đến khi người ta sắp đối diện cái chết, hoặc nó chỉ có thể hiện diện sau một biến cố lớn trong cuộc đời mỗi người bất chấp tuổi tác.

Nó xuất hiện khi - trong một giây phút ngắn ngủi nào đó, chúng ta chợt giật mình nhận ra: ô, dường như mình đã và đang sống như một cái máy, như một con vật nào đó, bị cuốn theo dòng chảy xung quanh, bị lây nhiễm mọi thứ "ý nghĩa công cộng" như bao con người mù quáng xung quanh, mình sống vô tư đến độ không có chút mảy may bận tâm gì về cái sống ấy, vì bận sống như thế cho nên mình chưa hề nhận "biết" rằng mình sống - hay nói như Sartre thì khi bạn đếm tiền bạn sẽ là chính cái sự đếm tiền đó, khi bạn dừng lại để nhận thức hành vi ấy thì bạn mới thực sự nhận thức về nó và không còn là sự đếm tiền ấy nữa. Khi đó bạn xuất hiện ý muốn tìm kiếm "ý nghĩa" cho những hành vi mà mình sống.

Ngược lại so với khủng hoảng lên ba, nếu lên ba, đứa trẻ dần nhận thức được tính tự chủ của mình và bắt đầu đòi được tôn trọng sự tự quyết và "tự làm cơ", thì khủng hoảng hiện sinh chỉ bắt đầu khi người ta vô tình đụng độ một vết nứt nào đó trong cuộc đời mình, hoặc trong dòng chảy xã hội: mọi thứ đang trơn tru, tôi vẫn sống như từng sống, rồi đột ngột tôi tách được mình ra khỏi dòng chảy vĩ đại và mù quáng ấy, tôi mới có cơ hội chợt nhận ra thân phận bé nhỏ và vô nghĩa của mình trong dòng chảy cuộc đời, tôi mới nhận ra những chỗ đứt gãy hoặc những điểm mù trong cuộc đời tôi; kể từ phút giây đó tôi không còn có thể sống vô tư mù quáng như trước nữa, tôi bắt đầu tự hỏi về rất nhiều thứ, bắt đầu từ sức khơi gợi kích thích của khoảnh khắc hiện sinh ấy.

NHỮNG ĐỊNH NGHĨA MANG TÍNH MÔ TẢ

Nói ngắn lại, "định nghĩa" về khủng hoảng hiện sinh (một việc làm ngớ ngẩn, nhưng nếu không "định nghĩa" nó thì các bạn chưa quen sẽ hoang mang, nên chúng ta sẽ định nghĩa theo cách mô tả cảm xúc): nó có thể là nỗi hoang mang, trống rỗng - mất cảm giác về giá trị và ý nghĩa sống, thậm chí đau đớn, vì không tìm ra/ không nhận thấy sự sống của mình và/hoặc của những người khác, của con người, có ý nghĩa nào đó để có thể tiếp tục. Nó cũng có thể là khoảnh khắc đột ngột, trong một giây nào đó, bạn rơi vào cảm thấy bỗng thấy mọi thứ mình đã sống và đang đeo đuổi đều bị tan vỡ, đều thành ra một trò hề, đều trở thành vô nghĩa. Tất cả những người bình dân chúng ta đều chẳng mấy khi suy từ về cái từ "Ý NGHĨA" xem ý nghĩa của cái từ "ý nghĩa" ấy có ý nghĩa là gì... giống như các triết gia, các nhà ngôn ngữ học, phân tâm học, kí hiệu học... thường làm. Nhưng tất cả chúng ta, một cách chân thật và đơn giản nhất, có thể dễ dàng cảm và trải qua những cảm xúc, trong thân thể, trong từng đường gân thớ thịt, trong nội tâm thổn thức của mình, mỗi khi cái gọi là "ý nghĩa" ấy nó sụp đổ, và chúng ta nhất thời không biết bám víu vào đâu để có lý do cho hoạt động và sự sống tiếp theo của mình.

"ĐẾCH" VÀ KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH

Ở mức cao hơn, người gặp khủng hoảng hiện sinh chợt nhận ra, đằng sau mọi giá trị, mọi thứ bề ngoài của xã hội, của đời tôi, của đạo đức, của pháp luật,.. chẳng có gì cả. Nó là một sự mù quáng nào đó, tạo dựng nên cuộc sống và bấm nút cho nó chạy. Người gặp khủng hoảng hiện sinh bắt đầu dùng con mắt "mới", soi xét lại mọi thứ trong cuộc sống riêng tư và đời sống xã hội, họ có thể nhận ra dường như có sự "đàn áp" tinh vi về nữ quyền từ hàng ngàn năm nay theo cách nào đó và họ bắt đầu ủng hộ cho nó, họ có thể nhận ra đằng sau quá trình tư bản hóa là những hệ lụy đánh mất đi nhân tính con người... hoặc họ nhận ra, hầu hết các giáo trình và chương trình giáo dục nói chung ở nhà trường đều là thứ công cụ cho chính trị kiểm soát xã hội, thay vì để khai phóng và giáo dưỡng con người trở thành những người thiện lành... Khủng hoảng hiện sinh có thể bắt đầu từ khoảnh khắc nhận ra sự "RỖNG" hay vô nghĩa của hầu như mọi thứ trong xã hội, và tiếp diễn bằng những trăn trở lâu dài và sâu xa về những thứ đó, và nó kết lại bằng một tâm thế nào đó: hoặc trưởng thành hơn, sống ở mức chín chắn hơn trong đời sống, hoặc trở nên tự cao tự đại, hoặc trở nên chán nản u sầu... hoặc đi tìm kiếm những hội nhóm đảng phái nào đó cũng chia sẻ những giá trị mà mình thấy là "hiện sinh" nhất. Tức là trong và sau những khủng hoảng hiện sinh, con người đó có thể:

  • Âm thầm bước đi một cách rất bình dị trên đường đời với một tâm thế vững vàng bản lĩnh - chấp nhận mọi sự vô nghĩa của đời người với niềm vui sống vừa giản dị vừa sâu sắc...
  • Trở nên tự cao và tự cho mình quyền phá hết đi các qui tắc lề thói sinh hoạt cộng đồng.
  • Có thể sẽ gia nhập (chính thức hay không chính thức) các nhóm, các hoạt động (nữ quyền, nhân quyền, 6+,...), các tổ chức. Nói gọn lại, họ sẽ xây dựng một lập trường mang tính "chính trị" như một hệ quả của khủng hoảng hiện sinh.
  • Vẫn duy trì được cuộc sống bình thường và không bộc lộ "triệu chứng" nào, nhưng thực tế trong nội tâm vẫn âm ỉ những câu hỏi và chút bất mãn khó chịu nào đó khi nhận thức đã bùng vỡ và thay đổi mà thân phận vẫn phải sinh hoạt trong các thực hành văn hóa bao đời nay với những người xung quanh.
  • V.v...

Và họ có thể bắt đầu tìm đọc những cuốn sách như ""Huyền thoại Sisyphe" của Camus, "Buồn nôn" của Sartra, "Triết học hiện sinh" của Trần Thái Đỉnh, "Đi Tìm Lẽ Sống" của Viktor Frankl, "Hành trình về phương Đông" của nhóm nhà khoa học mà Spading là một đại diện đã sang Ấn Độ nghiên cứu về huyền học và nhận thức được về giá trị của nó, hoặc sẽ đọc xong mấy tập khám phá Tây Tạng của bác sĩ Mundasep và nhận ra dường như văn minh nhân loại không chỉ có khoa học phương Tây. Họ có thể sẽ bắt đầu suy tư về các chủ đề trước đây họ không quan tâm: tự do đích thực là gì? Hành động thực sự mang tính quyết chọn tự chủ là gì? Tại sao lại phải đạo đức và không được nói "ĐẾCH"? Ý chí là gì? Ý muốn sống là gì? Nói "ĐẾCH" có phải là hiện sinh không?

Đây cũng chính là ranh giới mong manh giữa HIỆN SINH và MẤT DẠY, giữa TRĂN TRỞ TÌM KIẾM Ý NGHĨA SỐNG và NỔI LOẠN NGU DỐT, giữa HOANG TƯỞNG TỰ CAO TỰ ĐẠI với sự thâm trầm bình dị của người HIỂU CHUYỆN sau khủng hoảng. Trong khủng hoảng hiện sinh, người ta bắt đầu nghi ngờ và đặt lại vấn đề về tất cả những thứ vốn được chấp nhận auto trước nay, như đạo đức, pháp luật, giáo dục, chính trị, sinh hoạt văn hóa, ngôn từ... và rất dễ lẫn lộn giữa một người thực sự trăn trở về nó với những kẻ lạm dụng nó để trở nên phá phách vô lý, ăn nói ngông cuồng, và tự cho mình cái quyền không còn cần tuân theo các định chế hay qui tắc nào nữa.

NHỮNG KIỂU TRẢI NGHIỆM KHỦNG HOẢNG HIỆN SINH KHÁC

Những bạn trẻ khác thì hiện sinh theo kiểu lạ lùng hơn: họ có thể cắt tay, self-harm ở những hình thức khác, họ có thể gặp những cơn hoảng sợ vô cớ hoặc bị kích hoạt từ những điều rất nhỏ vặt trong cuộc sống... đó là cách trải nghiệm khủng hoảng hiện sinh ở những người tâm thần (hãy hiểu tâm thần theo nghĩa bình thường và không tiêu cực nhất có thể): họ không thể chấp nhận nổi sự "vô nghĩa" nào đó trong cuộc sống hay trong trải nghiệm của họ, nhưng cơ thể và tâm trí học chưa kịp học cách suy tư để trải nghiệm thứ khủng hoảng này, thì chúng đã chịu sự lấn át vỡ òa của các triệu chứng. Khi hiểu như vậy, chúng ta có thể thấy, những triệu chứng của các rối nhiễu tâm lý cũng là một dạng khủng hoảng hiện sinh.

Sự kết hợp giữa suy tư thâm trầm và bộc lộ triệu chứng mãnh liệt ở cơ thể và tâm trạng, nội tâm, được thể hiện ở những con người trẻ Việt Nam trước 75. Họ vừa suy tư rất triết học, họ cũng vừa có những hành vi hay cảm xúc rất "triệu chứng". Phạm Công Thiện với "Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất.." và nhiều đêm tối đen ngòm, địa ngục, bùng vỡ.. khác nữa trong ngôn ngữ của chàng trai trẻ đầy suy tư triết lý đó. Những biến động trong chính trị và xã hội ở Việt Nam trước 75 đã đẩy phong trào suy tư hiện sinh ở những người Việt trẻ lên cao. Thành ra như một cái mốt, một cái mốt đầy đau khổ và hoang mang, khi họ rất "sang" nếu cầm trên tay một ấn bản của "Buồn nôn" Sartre, hay những sách khác của Simon de Beauvoir, Albert Camus, F. Nietzsche, Kierkegaard..... Như một điểm kết lại một thời khủng hoảng hiện sinh đó, thầy giáo triết Trần Thái Đỉnh đã viết gọn lại những chủ đề chính của Triết học Hiện sinh, nhằm giúp những người trẻ có thể hiểu được nét chính của cái gọi là hiện sinh.

Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm một số triết gia hiện sinh sau, và xem xem vì sao vụ khủng hoảng hiện sinh này lại liên quan tới mấy ông triết gia đó.

https://www.facebook.com/329807464317716/posts/336333686998427/



  1. Đọc thêm trên wikipedia mục từ "Liệu pháp ý nghĩa" tôi dịch từ năm 2012, nhưng đã bị một số bạn sửa đổi mấy chỗ rất.. buồn cười] 

Comments