Skip to content

Thần thoại Sisyphus

[Author:: Albert Camus] - (Publication_Year:: 1942)

Ebook:: 📘 EPUB


My thought

210224

Nếu Sisyphus biết rằng việc lăn tảng đá lên rồi cũng rơi xuống nhưng mà vẫn làm, không sợ bị số phận đè nặng, vẫn làm cái việc mà mình phải làm, thì mình vẫn chưa sẵn sàng nổ máy hậu Tết trong khi tuần sau thi rồi, thi lâm sàng, thi lí thuyết, thậm chí là đang ở giữa tuần học online rồi. 'Just do it' ư? Có lẽ không hợp với mình sao? Rõ ràng là mình biết chỉ cần làm thôi nhưng vẫn không làm. Phi lí là đây chứ đâu..

210404

Chả buồn học bài. Hay chính xác hơn là tự nhiên mình thấy ghét học bài, không phải nói là tự nhiên sợ việc phải học. Mình sợ phải đẩy tiếp tảng đá hay sao? Mình đâu có cách nào khác đâu? Thế là phải làm tiếp hay sao. Thật sự thật sự mệt. Sisyphus hạnh phúc? Mình vẫn chưa hiểu hết.

230102

Hồi xưa cứ nghĩ tại sao Sisyphus biết đẩy đá khổ như thế mà ổng vẫn làm? Hmm, chắc là do ổng biết việc đẩy đá này ổng chắc chắn làm được, nên ổng làm. Đơn giản vậy thôi.

Highlight

Làm sao để thoát khỏi hoàn cảnh này? - Camus tự hỏi, và ông tự trả lời - hãy tự sát. Nhưng đừng hiểu tự sát là treo cổ hay cắt tay. Đối với Camus, chỉ sự tự sát có tính triết học (philosophical suicide) mới dẫn con người đến tự do. Tự sát tức là tước quyền sát khỏi tay Chúa, tự sát triết học tức là tước quyền tạo nghĩa khỏi tay Chúa. Một khi con người tự hỏi về ý nghĩa sự tồn tại của chính mình, hắn đã quyết định bước chân ra khỏi cuộc sống, vì chẳng người sống bình thường nào lại tự hỏi về bản chất tồn tại của chính mình cả. ~ ĐỜI NGƯỜI DƯỚI CHỦ NGHĨA HIỆN SINH VÀ CHỦ NGHĨA CẤU TRÚC

⇒ liên tưởng tới hỗn mang trong Người bóng bay, tuy tác giả nói "trọng tâm của tác phẩm này có lẽ được xây dựng trên bốn chữ chư hành vô thường" 1

Chương: THẦN THOẠI SISYPHUS

Các vị thần đã phạt Sisyphus không ngừng vần một tầng đá lên đỉnh một ngọn núi, rồi tảng đá lại tự lăn xuống. Họ đã có lý khi cho rằng không có hình phạt nào khủng khiếp hơn lao động hoài công và vô vọng.

Trong thần thoại này, ta chỉ thấy nỗ lực của một thân hình gồng lên cố sức nâng tảng đá lớn, vần đẩy nó lên sườn dốc hàng trăm lần; ta thấy khuôn mặt rắn đanh lại, má tì chặt vào tảng đá, bờ vai đỡ lấy khối nặng phủ đầy đất sét, bàn chân chèn khối đá, mỗi lần đẩy lên là đôi cánh tay căng rướn, tất cả chỉ dựa vào hai bàn tay lấm đất. Đến tận cùng nỗ lực dài dằng dặc sánh với không gian không có bầu trời và thời gian không có chiều sâu, chàng đã đến đích. Thế rồi Sisyphus nhìn tảng đá lăn ào xuống dưới chỉ trong vài khoảnh khắc, về lại cái nơi mà từ đó chàng sẽ phải đẩy nó lên lại đỉnh núi. Chàng đi trở xuống chân núi.

Chính vào lúc trở lại đó, trong khoảng khác ngừng tay đó, Sisyphus lôi cuốn sự chú ý của tôi. Một khuôn mặt cực nhọc luôn phải áp sát mặt đá đến nỗi trông cũng như đá! Tôi nhìn thấy con người đó đi trở xuống bằng những bước chân nặng nề nhưng đều đặn, về phía khổ hình mà chàng không bao giờ biết đến sự kết thúc. Giờ khắc đó cũng giống như quãng tạm nghỉ, vốn chắc chắn sẽ lặp lại như sự hành xác, đó chính là giờ khắc của ý thức. Tại mỗi khoảnh khắc trên chặng đường từ đỉnh cao từ từ ngập dần vào sào huyệt của các vị thần đó, chàng vượt lên cao hơn số phận mình. Chàng mạnh hơn tảng đá.

Thần thoại này bi đát là do nhân vật chính ở đây tỉnh thức. Quả vậy, nếu có niềm hy vọng đạt tới thành công nâng từng bước chân anh thì đâu còn gì là hành xác? Ngày nay người lao động cũng phải làm đi làm lại suốt đời những việc giống nhau, số phận như thế cũng chẳng kém phần phi lý. Bi kịch bùng lên ngay trong những khoảnh khắc hiếm hoi khi nó được ý thức tới. Sisyphus, kẻ vô thần vô thánh, không quyền lực mà dám phản kháng, thấu hiểu hoàn toàn số phận cùng cực của mình: đó hẳn là những gì chàng nghĩ ngợi trong lúc xuống núi. Sự sáng suốt làm nên khổ hình của chàng lại cũng đồng thời đội cho chàng vòng hoa chiến thắng. Không có số phận nào không thể vượt qua bằng sự khinh ngạo ấy.

Nếu chặng đường đi xuống đó đôi khi diễn ra trong sầu thảm, thì nó cũng có thể đi hết trong niềm vui. Nói như vậy không hề quá. Một lần nữa, tôi hình dung thấy Sisyphus quay trở lại tảng đá của chàng ta, và nỗi đau khổ lại bắt đầu. Khi hình ảnh trần gian bám quá chặt trong ký ức, khi tiếng gọi của hạnh phúc trở nên quá dai dẳng, thì sự u sầu trào dâng trong trái tim con người: đây là chiến thắng của tảng đá, đây chính là tảng đá. Nỗi thương đau vô hạn quá là nặng nề quá sức chịu đựng. Đây là những đêm ở vườn Gethsemane. Nhưng những sự thật nghiền nát con người ấy sẽ tàn lụi đi sau khi được nhận chân. Cũng như Oedipus, lúc đầu tuân phục số phận mà không hề hay biết. Nhưng từ lúc ông ta phát hiện ra thì bi kịch của ông mới bắt đầu. Cùng từ thời điểm đó, giữa mù loà và tuyệt vọng, ông ta nhận ra liên kết duy nhất nối mình với thế giới là bàn tay của một người con gái. Thế rồi ông cất lên nhận xét lớn lao: “Dù phải chịu bao nhiêu thử thách, tuổi tác dãi dầu và sự cao quý của tâm hồn ta làm cho ta kết luận rằng mọi sự đều tốt đẹp.” Oedipus của Sophocles, hệt như Kirilov của Dostoevsky, đã đưa ra công thức cho sự chiến thắng phi lý. Sự khôn ngoan cổ xưa khẳng định cho chủ nghĩa anh hùng hiện đại.

Người ta không khám phá ra cái phi lý khi chưa bị lôi kéo vào việc viết sách hướng dẫn cho hạnh phúc. “Sao chứ! Bằng những phương cách thiển cận như vậy ư...?”. Dù sao thì cũng chỉ có một thế giới. Hạnh phúc và phi lý là hai đứa con của cùng một thế gian. Chúng không thể nào phân chia ra được. Thật sai lầm khi nói rằng hạnh phúc nhất thiết sẽ nảy ra từ việc khám phá cái phi lý. Cũng tương tự khi nói rằng cảm giác phi lý nảy sinh từ hạnh phúc. “Ta kết luận rằng mọi sự đều tốt đẹp”, Oedipus nói, nhận xét này thật thiêng liêng. Nó vang vọng trong vũ trụ hoang dại và bị giới hạn của con người. Nó dạy rằng mọi sự không phải, chưa phải, đã cùng kiệt. Nó đuổi khỏi thế giới này một đấng thánh thần đã đến trong sự bất mãn và ưa những khổ đau vô ích. Nó biến số phận thành một vấn đề của con người, mà phải được dàn xếp bởi con người.

Chính trong điều này chứa đựng niềm vui lặng lẽ của Sisyphus. Số phận của chàng thuộc về chính chàng. Tảng đá kia là công việc của chàng. Cũng như vậy, con người phi lý, khi suy tư về sự đau khổ của mình, làm im tiếng tất cả thần tượng. Trong vũ trụ đột nhiên được hoàn lại sự tĩnh lặng, vô vàn những tiếng nói nhỏ bé của thế gian cất lên. Vô thức, những thôi thúc bí mật, những lời mời gọi từ đủ khuôn mặt, chúng là mặt trái và cái giá cần thiết của chiến thắng. Không có mặt trời nào không có bóng, và hiểu biết về đêm tối là điều cốt yếu. Con người phi lý đáp lời và từ đó về sau, nỗ lực của anh ta sẽ không ngừng nghỉ. Nếu có cái gì gọi là số phận cá nhân, thì không còn định mệnh nào cao hơn, hoặc giả nếu có thì đó là định mệnh mà anh ta xác định là không tránh khỏi và đáng khinh. Ngoài ra, anh ta biết bản thân mình là chủ nhân của mọi ngày trong cuộc đời mình. Vào giây phút mơ hồ khi con người liếc nhìn lại cuộc đời mình sau lưng, Sisyphus trở về phía tảng đá, trong cái quay đầu nhẹ bẫng ấy chàng ta suy ngẫm lại chuỗi hành động không liên quan với nhau đã trở thành số phận của mình, do chính chàng tạo ra, kết hợp lại dưới con mắt của ký ức chàng, và chẳng bao lâu bị phong kín lại bởi cái chết của chàng. Vì vậy, khi hoàn toàn tin rằng nguồn gốc của tất cả những gì thuộc về con người đều mang tính con người, một người mù sẽ hăm hở muốn gặp ai đó biết rằng bóng đêm dài vỏ hạn, nhưng anh ta vẫn tiếp tục bước đi. Tảng đá lại tiếp tục lăn.

Tôi bỏ đi, để lại Sisyphus dưới chân núi! Người ta sẽ luôn luôn tìm thấy lại gánh nặng của mình. Nhưng Sisyphus dạy cho ta một sự chân thật cao hơn, đến độ có thể phủ nhận các vị thần và nâng những tảng đá lên. Chàng cũng kết luận mọi sự đều tốt đẹp. Vũ trụ từ đây không còn chủ nhân dường như không còn trơ trụi hay vô ích đối với chàng. Mỗi nguyên tử của tảng đá kia, mỗi vảy khoáng vật trong ngọn núi ngập bóng đêm kia, trong bản thân nó tạo thành một thế giới. Bản thân cuộc tranh đấu hướng tới đỉnh cao là đủ đế lấp đầy trái tim con người. Ta phải tưởng tượng là Sisyphus hạnh phúc.


  1. Chu hành vô thường (諸行無常): hết thảy hiện tượng và muôn vật trong thế gian luôn luôn biến chuyển không ngừng 

Comments