Skip to content

CÁCH GHI NHỚ KIẾN THỨC

Ngay khi đang học phổ thông, tôi đã nổi tiếng đến mức “tai tiếng”, khi ngồi trong lớp học với tâm trí lơ đãng, toàn liên tưởng đến những thứ đâu đâu, không bao giờ ghi chép bài. Tôi chỉ có một quyển vở duy nhất. Cuốn vở nhàu nát vì dùng cho cả 3 năm cấp III, tôi gập lại và giắt vào nan hoa xe đạp, chỉ thỉnh thoảng mới ghi vài chữ không đầu không cuối.

Vậy nhưng tôi học gì nhớ đó.

Đến hôm nay, thỉnh thoảng hướng dẫn thực hành lâm sàng cho các bác sĩ học viên, dù là bệnh lí y khoa nhưng tôi vẫn dùng những công thức toán học, hoá học, vật lí, sinh học và cả những môn xã hội học; tất cả đều xuất hiện trong bài giảng. Học viên luôn bất ngờ. Họ cũng dễ dàng nắm bắt, dễ dàng ghi nhớ và nhớ không quên, theo cách mà tôi đã học từ khi còn nhỏ tuổi.

1. Tối đa các kết nối thần kinh

Mọi người sẽ quên hầu hết kiến thức đã học.

Bởi bộ não con người có 80 tỉ neuron thần kinh, mỗi neuron khi được kích thích bởi kiến thức sẽ có khả năng kết nối với 8000 neuron thần kinh để hình thành trí nhớ, vậy nếu huy động hết thì lượng kiến thức tối đa chúng ta chúng ta tiếp nhận được là 80x8000 = 640 ngàn tỉ. Cùng một điểm kiến thức, nhưng số kết nối phụ thuộc vào cách thức chúng ta rèn luyện, có người thực hiện rất nhiều kết nối, có người thì lại rất ít, đây là cốt lõi của nhận thức. Tôi lấy ví dụ, khi gặp một công thức toán học, nếu chúng ta tập trung tối đa để tìm hiểu dựa trên những kiến thức đã có từ trước, liên tưởng đến các ứng dụng, thì số kết nối sẽ vô cùng nhiều. Ngược lại, chúng ta chỉ nhìn vào công thức thụ động, hời hợt, không chủ động và không cố gắng tiếp nhận kiến thức, thì số kết nối sẽ rất ít, từng kết nối trở nên kém hiệu quả. Để bảo vệ trí nhớ không bị lộn xộn, theo thời gian, bộ não sẽ lọc và quên đi tất cả những kiến thức không tạo kết nối bền vững.

Trên thực tế, bất kì hoạt động nào của con người, không chỉ học tập hay suy nghĩ, mà bao gồm cả những vận động, ở cấp độ não bộ, đều đại diện cho việc truyền tải thông tin.

Ví dụ, khi chúng ta mới bắt đầu tập đi xe đạp, đó là một quá trình hình thành một số lượng lớn các kết nối thần kinh mới, bởi vì một hành động đi xe, bao gồm tay, chân, mắt và các chuyển động cơ thể liên quan khác. Với mỗi hoạt động, chúng ta phải tập trung sự chú ý ở mức rất sâu, chẳng hạn như điều khiển tay quay vô lăng, chân đạp pê đan, giữ thăng bằng. Đến khi chúng ta đi xe thông thạo rồi, lúc ấy chỉ việc đạp xe trên đường, trong khi đầu óc nghĩ đến công việc khác trong cuộc sống. Những kĩ năng như đi xe đạp, bơi lội, đã huy động tối đa kết nối thần kinh ở mức hiệu quả nhất, bền vững nhất, vì thế mà kĩ năng đó sẽ không bao giờ bị mất đi. Một người biết đi xe đạp lúc 5-6 tuổi, rồi không bao giờ đi nữa, cho đến vài chục năm sau ngồi lên xe, vẫn biết đi.

Đây là lý do tại sao Einstein nói rằng, những thành tựu ông đạt được không phải vì ông thông minh, mà do ông dành nhiều thời gian hơn so với người bình thường để suy nghĩ về các vấn đề, việc không ngừng suy nghĩ và xem xét về cùng một vấn đề từ các góc độ khác nhau, đó là cách tốt nhất để học tập kiến thức.

Mọi người vẫn nghĩ học là cầm sách lên đọc thuộc.

Theo tôi, đây là cách nghĩ sai, thậm chí rất sai. Schopenhauer đã từng nói: "Khi chúng ta đọc, có một người khác đang suy nghĩ giúp chúng ta, bởi vì chúng ta chỉ đang lặp lại những suy nghĩ của tác giả. Tình huống này giống như một học sinh tiểu học tập viết - dùng bút tô lại từng nét một của chữ thầy viết. Và khi đọc, tâm trí, trên thực tế, chỉ là sân chơi cho những suy nghĩ của người khác. Vì vậy, sẽ xảy ra trường hợp nếu ai đó dành gần như cả ngày để đọc, thời gian nghỉ ngơi thư giãn chỉ dành cho một trò tiêu khiển không suy nghĩ nào đó, anh ta dần dần mất khả năng suy nghĩ, giống như người đàn ông luôn cưỡi ngựa, cuối cùng cũng quên mất cách đi bộ.”

Cách học của tôi theo phương pháp 5 chiều.

Ngoài 1 chiều tạo ra tối đa các kết nối thần kinh hiệu quả như tôi nói ở trên, thì còn 4 chiều nữa là gắn kiến thức với vận động cơ thể, loại suy kiến thức bằng cách liên tưởng, dạy lại kiến thức cho người khác, tìm tòi ứng dụng kiến thức trong thực tiễn cuộc sống.

2. Gắn với vận động cơ thể

Thuở nhỏ tôi rất thích chữ nho. Những chữ trên nóc nhà, hoành phi, câu đối, đại tự, chữ trong đền chùa tôi cố gắng ghi nhớ, dùng que tre viết lên đất cho thuộc, rồi về hỏi bố cách đọc và nghĩa của chữ.

Xóm tôi có cụ Trì thọ 104 tuổi.

Cụ đặc biệt yêu quý tôi, nhà cụ là một kho sách chữ nho cổ, cụ hay mang sách ra đọc cho tôi nghe, mỗi lần đọc vài câu và giảng giải. Có một câu trong sách Trung Quán Luận tôi nghe xong nhớ mãi: “Tri chi giả bất như hiếu chi giả, hiếu chi giả bất như lạc chi giả - 知之者不如好之者, 好之者不如樂之者”. Nghĩa của câu này là, học để biết không bằng học để yêu, học để yêu không bằng học để làm thành một thói quen. Về sau tôi cũng tìm thấy một câu tương tự nhưng chưa rõ nguồn gốc: “văn chi ngã giả dã, thị chi ngã giả nhiêu, hành chi ngã giả minh - 闻之我也野,视之我也饶,行之我也明”. Nghĩa là những điều chúng ta học mà chỉ nghe thấy thì dễ quên, nhìn thấy thì nhớ thêm được một thời gian, còn tự mình làm thì mới hiểu sâu và nhớ mãi được. Người phương Tây dịch câu này sang tiếng Anh: “I hear and I forget, I see and I remember, I do and I understand – Ta nghe dễ quên, ta học dễ nhỡ, ta làm dễ hiểu”. Và người Việt cũng thường nói trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ, câu này tuyệt đối đúng trong y học khám chữa bệnh, chúng tôi không chỉ nghe thấy bệnh nhân kể triệu chứng, mà phải nhìn thấy, quan trọng nhất là sờ thấy.

Tôi sớm ý thức được rằng, học mà chỉ nghe và nhìn thôi chưa đủ, bởi nghe và nhìn chỉ là hai kĩ năng sơ đẳng ban đầu, muốn hiểu sâu nhớ lâu thì tôi phải vận động cơ thể để cảm nhận được kiến thức.

Vận động cơ thể đơn giản nhất là viết.

Tôi không chép những điều thầy giảng, không chép lại sách giáo khoa, mà sau khi đọc và nghe giảng, tôi về nhà cầm bút viết lại kiến thức theo cách hiểu của tôi.

Não người có 3 chiều nhận thức:

☆ Sound (Auditory – Thính giác)

☆ Sight – (Visual – Thị giác)

☆ Meaning (Kinesthetic – Động giác)

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, dạy và học theo thính giác và thị giác hiệu quả không cao, trong khi kiến thức liên quan đến vận động cơ thể lại hiểu rất sâu và nhớ rất lâu. Cùng một vấn đề, nếu chỉ NGHE sau 5 ngày nhớ 30% và 15 ngày còn 20%, trong khi NHÌN tương ứng là 50% và 30%, nhưng hoạt động cơ thể thì 90% và 75%.

Vì thế, các lĩnh vực giáo dục đến nay đã thay đổi, đều áp dụng tối đa “động giác”, tức là để học sinh vận động cơ thể.

Tôi lấy ví dụ điển hình là giáo dục âm nhạc.

Nếu như trước đây, trẻ em bắt đầu học nhạc là chơi một nhạc cụ, thầy sử dụng cây đàn và bản nhạc trước mặt, đánh mẫu rồi hướng dẫn trò làm theo, được dăm bữa nửa tháng trò chán học và thầy chán dạy. Các phương pháp giáo dục âm nhạc hiện nay đã khác. Học sinh sẽ được học nhịp, học tiết tấu, học trường độ và cao độ của nốt nhạc thông qua vận động cơ thể, như như các động tác di chuyển, nhảy múa, điều đó giúp cho học sinh rất hứng thú, dễ hiểu, nhanh thuộc và ứng dụng rất nhanh.

Vấn đề cốt lõi ở đây là, kiến thức phải sờ thấy được, những gì tai nghe mắt thấy chưa chắc đã nhớ, học kiến thức phải như bóc củ hành, đến lúc tự nhiên sẽ nhớ.

3. Loại suy bằng cách liên tưởng

Richard P Feynman, người đoạt giải Nobel Vật lí, nhưng chỉ số IQ của ông lại thấp khét tiếng nhất trong lĩnh vực vật lí, IQ = 120 so với mức trung bình là 140 của lĩnh vực này, nhưng ông lại là người thông thái nhất sau Einstein, ông luôn được sinh viên yêu thích vì giảng bài rất hài hước và rất dễ hiểu. Là một chuyên gia ghi nhớ những gì đã học, Freynman đưa ra phương pháp ghi nhớ 4 bước mang tên ông, Bill Gate đã phải sử dụng và coi Freynman là “người thầy vĩ đại nhất”.

Loại suy bằng cách liên tưởng do Freynman đề xuất.

Thưở nhỏ, gia đình cậu bé Freynman có cuốn bách khoa toàn thư, người cha thường đọc cho con trai nghe. Một lần, người cha đọc về con khủng long, trong đó có nói “một con khủng long cao 25 feet và đầu của nó rộng 6 feet”. Sau đó, người cha nói với Freynman rằng, “con trai biết không, con hãy tưởng tượng nếu con khủng long đó đứng trong sân nhà mình, thì đầu của nó có thể với tới cửa sổ tầng 2. Nhưng con đừng lo, khủng long không bao giờ chui được qua cửa sổ, vì đầu của nó to hơn cái cửa sổ.”

Freynman bé nhỏ, rất khó để biết con khủng long cao 25 feet và đầu rộng 6 feet, đây là kiến thức mới và tương đối trừu tượng. Nhưng người cha đã dịch nghĩa cho con hiểu. Con khủng long đứng trong sân nhà mình, đầu nó chạm đến cửa sổ tầng 2, cái cửa sổ còn bé hơn đầu con khủng long. Rõ ràng tầng 2 căn nhà và cửa sổ là thứ mà Freynman đã quen biết. Nhưng kích thước của khủng long là một kiến thức mới. Người cha đã sử dụng cái đã biết và rất thân thuộc, để giải thích kích thước con khủng long, đây là ví dụ điển hình về phép loại suy kiến thức bằng cách liên tưởng. Nếu chỉ dạy con khủng long cao 25 feet và đầu rộng 6 feet, thì Freynman rất khó tiếp thu, rất nhanh quên. Nhưng nếu gắn với tầng 2 và cửa sổ, thì Freynman hiểu ngay vấn đề, nhớ mãi, không những vậy, phép liên tưởng như vậy còn giúp Freynman kích thích sự tò mò, tìm hiểu sâu hơn về con vật to như vậy mà tại sao lại tuyệt chủng.

Dùng cái đã biết để hiểu cái chưa biết.

Freynman đã học cách “dịch” từ cha mình, bất kì điều gì ông học được, đều liên tưởng đến những cái đã biết, biến những thứ vô hình trở thành hữu hình và có ý nghĩa.

Nếu bạn đọc để ý, sẽ thấy các bài viết của tôi cũng vậy, rất nhiều kiến thức hàn lâm mông lung và khó hiểu, nhưng được tôi “dịch” bằng cách liên tưởng tới những thứ đã biết, nên ai đọc cũng thấy dễ hiểu, dễ nhớ và ấn tượng. Ví dụ như tôi viết về cơ chế bệnh tiểu đường, nó quá khó với sinh viên y khoa, khó với cả bác sĩ, thậm chí khó luôn với cả bác sĩ nội khoa khám chữa bệnh tiểu đường hàng ngày. Nhưng khi tôi sử dụng hình ảnh shipper xe ôm công nghệ thì ai cũng thấy vấn đề rất rõ ràng. Hay khi tôi viết bài về điện và điện tử, kiến thức này luôn là sự thách đố với học sinh, nhưng bằng cách liên tưởng điện cũng giống như nước, mà nước thì ai cũng biết nên kiến thức tôi đưa ra không còn khó khăn nữa.

Không dừng ở liên tưởng, Freynman còn đề cao việc sử dụng những cái đã biết để giải thích kiến thức mới một cách sâu sắc. Freynman kể, cứ vào cuối tuần người cha lại đưa con lên núi Katsky chơi, ông hướng dẫn con quan sát nhiều điều mới về hệ động thực vật trong rừng. Mẹ của những đứa trẻ khác thấy vậy, cho rằng đó là cách giáo dục con hay, họ yêu cầu những người chồng phải làm theo. Nhưng các ông chồng mặc kệ. Các bà vợ năn nỉ người bố của Freynman dẫn lũ trẻ đi cùng. Cha của Freynman cũng nói không. Vì vậy, những người đàn ông không còn cách nào khác đành phải đưa con lên núi chơi. Cuối tuần, khi bọn trẻ tụ tập lại với nhau, một đứa hỏi Freynman tên của một con chim. Freynman trả lời không biết chính xác tên. Đứa trẻ khẳng định đó là con chim cổ đen biết hót, cả lũ trẻ ngạc nhiên, cho rằng người bố không dạy Freynman điều gì. Thực tế người cha dạy Freynman rằng, ở Ý người ta gọi nó là 'Chatura Portida', người Bồ Đào Nha gọi là 'Penda Pida’, người Trung Quốc gọi là 'Bồ nông xuân lan' và người Nhật Bản gọi nó là 'Catano Turk Da'. Ông giải thích, Freynman có thể biết mọi cái tên theo từng ngôn ngữ, tức là biết người dân ở những nơi khác nhau trên thế giới gọi là chim gì, nhưng vẫn không hiểu gì về con chim, giữa việc “biết tên một cái gì đó” và “thực sự biết một cái gì đó” là hai vấn đề khác nhau rất xa.

Người bố nói với Freynman, quan sát con chim sẽ thấy nó tự mổ lông trong lúc bay, rồi ông đặt câu hỏi tại sao như vậy. Từ đó hai bố con tìm cách giải thích hợp lí. Nào là con chim chải lông để bay dễ hơn, nào là chim loại bỏ những con giận bám trên mình. Sử dụng những cái đã biết giải thích kiến thức mới, bằng cách thông qua việc kết nối kiến thức ấy, Freynman có thể hiểu được gấp đôi, đồng thời phát hiện ra những quy luật cơ bản nhất của khoa học.

4. Dạy lại kiến thức

Một lần nói chuyện với anh kĩ sư người Trung Quốc, anh nói tiếng Việt rất tốt, tôi hỏi anh bằng cách nào mà chỉ một thời gian ngắn người Trung Quốc có kiến thức rất sâu, anh đã kể tôi nghe một câu chuyện.

Trên một chuyến tàu đến Bắc Kinh, có một người cha nông dân, ông đưa con trai đi nhập học Đại học Bắc Kinh, ba năm trước con gái của ông cũng đã trúng tuyển vào Đại học Thanh Hoa cả hai trường đại học danh giá nhất Trung Quốc.

Có người tò mò hỏi: “Ông lôi hai đứa nhỏ vào trong tháp ngà, vậy có chiêu gì độc đáo không, kể cho chúng tôi nghe đi”.

Người cha nông dân gãi đầu thành thật nói: “Tôi không được học hành đến nơi đến chốn, cũng không biết mánh khóe gì, tôi chỉ nghĩ nhà nghèo quá, vậy mà phải bỏ ra bao nhiêu tiền cho đứa con gái đi học, nên không thể lãng phí. Mỗi ngày sau khi tan học, tôi yêu cầu con gái hãy giảng lại cho em trai tất cả những gì giáo viên dạy ở trường, rồi em trai lại giảng tiếp cho hai vợ chồng tôi. Có gì không hiểu thì vợ chồng tôi và con trai hỏi lại con gái, nếu con gái không giải đáp được thì quay lại trường hỏi giáo viên vào ngày hôm sau. Bằng cách này, với một suất đầu tư, ít nhất cả hai đứa trẻ được học, nhiều thì có thêm vợ chồng tôi cũng được học.”

"Điều kì lạ là hai đứa trẻ rất có động lực học tập. Ngay cả khi con của những người khác đang chơi đùa ngoài trời, thì con tôi vẫn không bị lay chuyển. Thành tích học tập của hai đứa con tôi đã tăng lên suốt từ cấp tiểu học đến cấp ba, sau đó đứa chị đỗ Đại học Thanh Hoa, bây giờ đứa em đỗ Đại học Bắc Kinh."

Câu chuyện này từng được truyền thông Trung Quốc đăng tải, điều mà người cha này đã sử dụng chính là phương pháp Feynman, nhưng ông không nhận ra điều đó. Theo anh kĩ sư, đến hôm nay thì nhiều người Trung Quốc đã biết phương pháp ghi nhớ kiến thức Freynman, đây cũng là một trong số những cách để giới trẻ Trung Quốc hôm nay có nền tảng kiến thức rất tốt.

Dạy cho người khác là bí quyết học.

Freynman cho rằng, mọi lí thuyết dù khó khăn hay rắc rối đến mức nào, thì vẫn có cách giải thích đơn giản mà dễ hiểu. Dạy chính là cách học rất tốt. Phương pháp ghi nhớ kiến Freynman là chọn đứa trẻ 12 tuổi để giảng lại điều mình đã học. Khi phải giảng cho một đứa trẻ 12 tuổi, thì bắt buộc phải tìm cách giải thích kiến thức càng đơn giản càng tốt. Tất nhiên, việc tìm đứa trẻ 12 tuổi chỉ là tượng trưng, phương pháp ghi nhớ Freynman hãy giải thích kiến thức cho tất cả những người xung quanh có nhu cầu quan tâm.

Bản thân tôi, ngay từ lớp I-tờ, tôi luôn giảng lại kiến thức cho các bạn cùng lớp, nên ai cũng yêu quý tôi. Đến cấp III, nhiều học sinh trong xã và các xã lân cận đến nhờ tôi dạy, đông đến nỗi tôi phải tổ chức thành các lớp. Làm bác sĩ, tôi cũng có điều kiện hướng dẫn thực hành lâm sàng cho các bác sĩ học viên. Đây cũng là may mắn với tôi, bởi được giảng cho người khác nhiều, đã giúp tôi hiểu sâu kiến thức và nhớ lâu.

5. Ứng dụng kiến thức

Cha mẹ và giáo viên đo lường hiệu suất của học sinh bằng điểm số trên giấy, còn các ông chủ và khách hàng đo lường khả năng làm việc của một người bằng hoàn thành nhiệm vụ và chất lượng sản phẩm. Để đạt được điểm số cao thì phải học giỏi, để hoàn thành tốt nhiệm vụ và tạo ra sản phẩm chất lượng thì phải biết áp dụng kiến thức vào công việc, nhưng với một số người kiến thức được lưu trữ trong sách và trí óc không có cách nào để ứng dụng được vào công việc.

Nhiều người vẫn thường nói rằng, học môn toán như đạo hàm, tích phân, vi phân, hay các hàm lượng giác, thi đỗ xong rồi là quên hết, chẳng để làm gì, cuối cùng chỉ cần biết cộng trừ nhân chia là đủ, nên họ thấy uổng phí thời gian học.

Thực ra toán hiện hữu trong công việc hàng ngày.

hai nguyên nhân dẫn đến việc không áp dụng được những gì đã học, một là học nhưng không hiểu những gì đã học nên đương nhiên không thể áp dụng những gì đã học. Hai là, học rất hiểu kiến thức, nhưng chỉ vận dụng những điểm kiến thức để giải bài toán, nếu giải đúng thì đạt điểm cao, giải sai bị trừ đi một số điểm, đến khi ứng dụng vào thực tiễn công việc thì không thấy bóng dáng hầu hết những kiến thức đã học.

Không ứng dụng được thì sẽ quên.

Muốn không quên, bắt buộc kiến thức phải được liên hệ với thực tế, phải ứng dụng vào thực tế. Yêu nhau mà không đi tới hôn nhân thì chỉ làm tội nhau. Kinh doanh không sinh ra lợi nhuận thì vô nghĩa. Kiến thức mà không ứng dụng được vào cuộc sống thì chỉ là những tư duy bồng bột. Giả sử chúng ta không ngừng nạp kiến thức mỗi ngày, giống như việc chúng ta ăn uống, thịt rau phối hợp rất hài hoà, giờ giấc ăn uống đều đặn, nhưng đường ruột lại không hấp thụ được, dù ăn bổ béo đến mấy thì cũng phải bài xuất ra ngoài, nhiều trường hợp vẫn không tránh đau bụng táo bón nội tâm giằng xé. Thu nạp kiến thức cũng vậy thôi. Nếu chúng ta không ứng dụng được, kiến thức sẽ phải quên đi, nếu ai đó nhớ được hết kiến thức sẽ trở thành giá sách di động, sẽ bị ngộ độc chữ rất nguy hiểm. Ứng dụng kiến thức quan trọng hơn nhiều so với lưu trữ kiến thức. Việc học, đọc sách, tiếp thu kiến thức là việc ai cũng làm được, nhưng việc ứng dụng kiến thức thì lại là vấn đề không đơn giản.


My thought

Tóm lại nè: 5 cách ghi nhớ kiến thức 1- Tối đa hoá các kết nối: suy nghĩ vấn đề dưới nhiều hướng khác nhau 2- Gắn với vận động cơ thể: viết lại kiến thức theo cách hiểu của bản thân 3- Liên tưởng với cái mình biết: dùng cái đã biết hiểu cái chưa biết 4- Dạy lại kiến thức: dùng ngôn từ đơn giản để dạy đứa trẻ 5 tuổi 5- Ứng dụng: phải ứng dụng được kiến thức


Nguồn

Comments